View AllKhởi nghiệp

Tin tức

Tỷ phú

Latest News

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Thế giới di động đóng hàng loạt cửa hàng, nhiều đại gia 'khóc rưng rức' vì mất ngàn tỷ

Đóng tới 7 cửa hàng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động đã khiến cả đại gia nội và đại gia ngoại mất hàng ngàn tỷ đồng.

Đóng tới 7 cửa hàng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động đã khiến cả đại gia nội và đại gia ngoại mất hàng ngàn tỷ đồng.

Trong những ngày cuối tháng 5/2018, VN-Index đánh mất mốc 1.000 điểm là một trong những thông tin được các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm nhất. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động cũng trở thành “điểm nóng” khi bất ngờ đóng hàng loạt cửa hàng.

Theo báo cáo mới nhất, tại thời điểm cuối tháng 4/2018, Thế giới di động chỉ còn 1.065 cửa hàng, giảm 6 cửa hàng so với cuối tháng 1. Tính chung 4 tháng đầu năm, Thế giới di động đã đóng cửa 7 cửa hàng. Đây là lần đầu tiên Thế giới di động “khai tử” nhiều cửa hàng trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Số lượng cửa hàng giảm được cho là có ảnh hưởng nhiều tới kết quả kinh doanh của ông lớn ngành điện máy. Và đa số ý kiến nhà đầu tư đều tin rằng, đây là ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, nhà đầu tư tỏ ra e dè với cổ phiếu MWG của Thế giới di động.

Đóng cửa phiên giao dịch 22/5/2018, MWG dừng ở mức 109.000 đồng/CP, giảm 21.150 đồng/CP, tương ứng 16,1% so với phiên đầu tiên của năm 2018. 16,1% không phải tốc độ giảm quá lớn nhưng với những khoản đầu tư khổng lồ của các đại gia, phần hao hụt là không hề nhỏ.

Cụ thể, trong chưa đầy 5 tháng qua, MWG đã khiến vốn hóa thị trường của Thế giới di động giảm 6.835 tỷ đồng, xuống còn tổng 35.225 tỷ đồng. Có thể thấy, cổ đông của MWG đã thiệt hại khá nhiều trong 4 tháng đầu năm 2018.

Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ là cổ đông lớn nhất của MWG. Tuy nhiên, Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG lại sở hữu 100% cổ phần tại công ty này nên có thể thấy, ông Tài mới là ông chủ thực sự của MWG. Điều đó đồng nghĩa với việc khi giảm sâu, MWG khiến túi tiền của ông Tài hao hụt nhiều nhất.

Trong đợt MWG lao đao lần này, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Tài giảm 982 tỷ đồng, xuống còn 5.062 tỷ đồng. Với đà giảm mạnh của tài sản, vị trí cuối cùng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán của ông Tài đang lung lay.

Công ty TNHH Tri Tâm là cổ đông lớn thứ 2 của Thế giới di động. Tri Tâm là cái tên xa lạ nhưng trên thực tế, nó lại là “người quen”. Công ty TNHH Tri Tâm có người đại diện pháp luật là ông Trần Lê Quân, Thành viên độc lập HĐQT Thế giới di động.

Nhờ sở hữu cổ phiếu MWG gián tiếp qua Tri Tâm, ông Trần Lê Quân đang có khối tài sản trị giá hơn 3.000 tỷ đồng. MWG giúp ông Quân đứng ở vị trí 15 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Nhưng cũng chính lượng cổ phiếu MWG khá lớn đã khiến ông Quân hao hụt 613 tỷ đồng.

Pyn Elite Fund, một trong những quỹ lớn nhất đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam là đại gia ngoại đã trải qua nhiều thăng trầm cùng MWG. Pyn Elite Fund được may mắn nắm giữ số lượng MWG khá lớn khi cổ phiếu này tăng mạnh. Nhưng trong thời gian “suy sụp” vừa qua của MWG, Pyn Elite Fund cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Cách đây đúng 1 tháng, MWG giảm rất sâu, xuống “đáy”. Đó cũng là khi Pyn Elite Fund dành tới 12% danh mục đầu tư cho cổ phiếu MWG. Tổng tài sản của quỹ này lên tới 452 triệu Euro. Tại thời điểm đó, MWG giảm tới 28% (tính từ đỉnh) khiến Pyn Elite Fund thua lỗ 15,15 triệu Euro.

Hiện tại, dù đã thoát khỏi “đáy” nhưng MWG vẫn giảm khá sâu khiến khoản đầu tư của Pyn Elite Fund vào Thế giới di động “bốc hơi” 303 tỷ đồng.

Một vài đơn vị khác cũng hao hụt hàng trăm tỷ đồng có thể kể đến như Công ty TNHH MTV Sơn Ban (172 tỷ đồng), Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Trần Huy (172 tỷ đồng) và Ntasian Discovery Master Fund (126 tỷ đồng).

Có thể thấy, thông tin Thế giới di động đóng 7 cửa hàng trong 4 tháng đầu năm đã át đi hàng loạt tin tốt khác mà công ty này vừa công bố. Theo đó, doanh thu thuần 4 tháng của cả hệ thống Thế giới di động đạt 29.699 tỷ đồng tăng 43%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.044 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ.

Theo VTC News

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Nhựa Rạng Đông Long An đi vào hoạt động – kỳ vọng đạt kế hoạch kinh doanh năm 2018

Việc dự án Long An chính thức vận hành giai đoạn 1 mới đây với đối tác đến từ Nhật bản được kỳ vọng sẽ giúp Nhựa Rạng Đông đạt được những mục tiêu kinh doanh năm 2018.


Khởi công từ tháng 4/2016, dự án CTCP Nhựa Rạng Đông Long An có tổng diện tích 17 ha, tổng số vốn đầu tư 32 triệu USD, số lượng nhân lực đạt 1.000 người. Trong đó, Tập Đoàn Sojitz Pla-Net Nhật Bản là cổ đông chiến lược góp 20% cổ phần, 80% cổ phần còn lại thuộc về Nhựa Rạng Đông.

Hiện, giai đoạn 1 của dự án được hoàn thành với diện tích là 8,7 ha, tọa lạc tại lô H1, H2, H3, H4, H7, H8, H9 đường 3, 8, 9 KCN Tân Đô, tỉnh Long An. Nhà máy được chia làm 4 khu vực: nhà máy 1 có diện tích 11.760 m2 với tổng kinh phí đầu tư 36,5 tỷ đồng; nhà máy 2 có tổng diện tích là 19.840 m2 với tổng tổng kinh phí đầu tư 56,3 tỷ đồng; nhà máy 3 có diện tích 20.480 m2, tổng kinh phí đầu tư 62,5 tỷ đồng và khu văn phòng có diện tích 5.832 m2 với kinh phí 11,7 tỷ đồng.

Nói về dự án này, Chủ tịch CTCP Nhựa Rạng Đông (HOSE: RDP), ông Hồ Đức Lam cho biết: "Long An là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cách trung tâm Tp.HCM 50 km và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với  khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm gần đây, Long An có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội rất cao; đặc biệt là KCN Tân Đô với diện tích 302,72 ha và tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Theo đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành nhựa trong nước và khu vực, CTCP Nhựa Rạng Đông đã đầu tư xây dựng dự án Công ty Nhựa Rạng Đông Long An nhằm đáp ứng nhu cầu nhựa đang tăng cao".

Được biết, HĐQT Nhựa Rạng Đông mới đây đã ban hành nghị quyết thông qua việc bầu chọn ông Hồ Đức Lam tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới năm 2018-2023. Đồng thời ông Lam cũng sẽ là người đại diện theo pháp luật của Nhựa Rạng Đông.

Kỳ vọng lớn từ đối tác Nhật Bản

Về Sojitz Pla-Net, Tập Đoàn là đơn vị kinh doanh ngành nhựa của Nhật Bản được thành lập từ năm 2004 (hợp nhất từ Pla-Net, Nissho Iwai Plastic, and Chori Pla-Techno – công ty con của Pla-Net Holdings). Hiện Tập đoàn Sojitz có 27 chi nhánh ở 17 nước trên thế giới với doanh thu đạt khoảng 200 tỷ Yên, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhựa với sản lượng hơn 1 triệu tấn nhựa được sản xuất. Được biết, lĩnh vực hoạt động chính của đối tác Nhật này là bán các sản phẩm chất dẻo kỹ thuật hướng đến việc ứng dụng trong xe hơi và những thiết bị gia dụng.

Tại lĩnh vực đóng gói bao bì, Sojitz đã đầu tư vào CTCP Nhựa Rạng Đông Long An. Trở thành đối tác của Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch tập đoàn Sojitz cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ thông qua việc cung cấp nguyên liệu thô; hỗ trợ bán hàng thông qua hệ thống bán lẻ của Sojitz cả ở tại Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường lân cận; đồng thời hỗ trợ cả về kỹ năng mềm.

Mục tiêu lãi ròng 2018 đạt 50 tỷ đồng, tăng hơn 190%

Đặt mục tiêu cho năm 2018, Nhựa Rạng Đông kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 13.4%, đạt 1,500 tỷ đồng, trong đó nhóm sản phẩm bao bì tiếp tục tăng trưởng mạnh và phấn đấu đứng vào top 10 nhà sản xuất bao bì lớn nhất châu Á vào năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 50 tỷ đồng, tăng 190.4% so với năm 2017.

Có thể thấy rằng, con số kế hoạch trên khá táo bạo đối với Nhựa Rạng Đông. Và để thực hiện hóa được chỉ tiêu đề ra, Công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển các dòng sản phẩm giả da, bao bì, đặc biệt là dòng sản phẩm màng nhà kính, màng phủ nông nghiệp; mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại nguyên liệu chính phục vụ ngành nhựa như hạt nhựa, hóa dẻo, DOP... ; đồng thời đầu tư thành lập CTCP Tiếp Vận Song Dũng nhằm tối ưu chi phí logistic và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực tiếp vận hàng hóa.

Đáng chú ý, Công ty đang tập trung tối đa mọi nguồn lực để đưa Nhà máy Long An vào vận hành đúng tiến độ, đạt năng suất thiết kế để gia tăng năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tại đây, Nhựa Rạng Đông dự kiến sẽ phát huy lợi thế tăng cường hợp tác kinh doanh với đối tác Sojitz-Planet nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí logistics, mở rộng thị phần, tăng trưởng doanh số, đặc biệt là xuất khẩu…

Như vậy, việc dự án chính thức vận hành giai đoạn 1 mới đây với đối tác đến từ Nhật bản được kỳ vọng sẽ giúp Nhựa Rạng Đông đạt được những mục tiêu kinh doanh năm 2018, sau một năm khá không thuận lợi. Điểm lại năm 2017, tình hình kinh doanh của Nhựa Rạng Đông chưa đạt được như kỳ vọng do ảnh hưởng của hoạt động di dời máy móc thiết từ công ty mẹ sang công ty con, doanh thu của Công ty đạt 1,322 tỷ đồng, tăng 11.1% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế lại âm 55 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phát sinh khoản thu nhập 124 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý 20% cổ phần Nhựa Rạng Đông Long An cho Tập đoàn Sojitz Planet (Nhật Bản) nên lợi nhuận chưa phân phối năm 2017 là 69 tỷ đồng, ghi nhận tăng 30% so với năm ngoái, thực hiện được 85% kế hoạch đề ra.

Theo Tri Thức Trẻ

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Chàng trai 9x kiếm triệu USD từ kinh doanh nhang sạch

Vừa từ Đà Lạt xuống Sài Gòn năm 2010, tân sinh viên Nguyễn Văn Thiện của trường Đại học Tôn Đức Thắng đi làm thêm ngay. Thiện đi bốc vác, phục vụ nhà hàng, phát tờ rơi, phụ hồ... Anh cũng kinh doanh mỹ phẩm, đặc sản, rau hay đồ cổ và cho đến nay đã làm khoảng 100 công việc. Trong hành trình đó, anh đã tìm được mục tiêu để gầy dựng sự nghiệp cho riêng mình, đó là nhang sạch.

Năm 2013, trong lần giao dịch lô trầm cho người thân, Thiện quen một doanh nhân Đài Loan chuyên sản xuất và kinh doanh nhang. Ông cho biết tại quê hương ông, hơn 90% người dân đều sử dụng nhang sạch, tức làm từ các loại cây có mùi sẵn, nhựa tốt và không tẩm tinh dầu. Đó là ngải cứu, quế chi, đàn hương, trầm hương, vỏ cam, vỏ quýt... Trong đó, trầm chính là loại cao cấp nhất.

Nguyễn Văn Thiện đang thành công với mô hình sản xuất nhang sạch.

Tuy nhiên, vị doanh nhân tỏ ra thắc mắc khi hầu như không tìm thấy loại nhang này tại Việt Nam. Ông gợi ý chàng trai thử kinh doanh và bẵng đi một thời gian sau Thiện mới liên hệ lại khi đã quyết định theo đuổi con đường này và tìm được người đồng hành.

Ông chuyển giao toàn bộ kỹ thuật cho Thiện mà không đòi hỏi chi phí nào. "Ông nói đã lớn tuổi nên không giấu nghề và giao thị trường thế giới cho tôi phát triển", Thiện chia sẻ.

Thiện bắt đầu đặt hàng gia công, mua lại, làm bao bì và giới thiệu sản phẩm nhang thiền đến thị trường năm 2014. Đây là loại nhang chủ yếu dùng để thưởng thức. Doanh nhân trẻ và cộng sự mang điều mới mẻ ấy đến khắp các hội chợ, triển lãm, các cửa hàng thức ăn chay, phong thủy, những nơi có tính chất thiền... để cộng đồng dần nhận diện thương hiệu của mình.

Nhận thấy sản phẩm chỉ dừng ở phân khúc thưởng thức còn kén người dùng trong nước và chưa phổ biến rộng rãi, anh quyết định phát triển thêm dòng nhang xanh thắp hương thường thấy. Bài toán lợi nhuận được cân đối bằng cách lấy xuất khẩu bù chi phí trong nước. CEO trẻ cho biết nhang sạch là mặt hàng rất được thị trường thế giới ưa chuộng nên ngay từ những ngày đầu thành lập, công ty đã nhận nhiều đơn hàng quốc tế và sinh lợi nhuận.

Trầm hương nhân tạo phổ biến tại khu vực Đông Nam Á. Loại cây này có thể tìm thấy khắp nơi ở Việt Nam như Quảng Nam, Bình Phước, Đồng Nai, Phú Quốc... Khác với trầm tự nhiên rất đắt tiền và phải vào rừng vài tháng mới có thể tìm ra, trầm có thể được trồng theo quy mô công nghiệp như cao su hay hạt điều. Vì vậy, không khó để tiếp cận nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, khi xuất khẩu phải chứng minh được đây là trầm nhân tạo chứ không phải tự nhiên.

Đầu năm 2015, CEO 9x xây dựng xưởng, đầu tư hệ thống máy móc khi nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng cao. Với diện tích 2.000m2, 40 nhân công, các loại thiết bị hiện đại như máy tay, máy xay lớn-nhỏ, máy trộn, máy làm nhang nhiều loại..., Thiện đã có trong tay công xưởng hoành tráng.

Số vốn bỏ ra ban đầu 300 triệu đồng chia đều cho 4 thành viên sáng lập. Thiện đảm trách điều hành chung, anh Phạm Văn Sung lo công việc ở xưởng, anh Phạm Long Hải và anh Nguyễn Thắng Trụ phụ trách tài chính cũng như các mối quan hệ. Từ số tiền này, công ty chọn kênh bán thích hợp tạo lợi nhuận để tái đầu tư. Quá trình xoay vòng vốn diễn ra liên tục.

Có thời điểm các thành viên cầm cố tài sản để có tiền đầu tư cho những giai đoạn tiếp theo. Thiện nói thậm chí có lúc họ không có nổi 2 triệu để trả lương nhân viên. Trong đợt xuất hàng không như ý vì hương trầm của mỗi vùng khác nhau dẫn đến không vừa ý khách hàng, công ty chịu lỗ đơn hàng 5.000 USD để đảm bảo uy tín.

Nhờ kiên định với niềm tin vào chất lượng của sản phẩm, thị trường trong nước dần biết đến sự có mặt của loại nhang sạch được sản xuất từ trầm công nghiệp. "Khi đã sử dụng thì khách hàng dùng của mình hoài vì không cay mắt, dễ chịu và giúp ngủ ngon", CEO lý giải.

Theo VnExpress

Nông dân ngoại ô Sài Gòn trồng ớt thu gần nửa tỷ mỗi tháng

Trong khi nông dân nhiều khu vực trên cả nước đang khóc ròng với giá ớt đột ngột giảm mạnh, chỉ ở mức 8.000 đồng/kg thì tại huyện Củ Chi, TP.HCM, vườn ớt rộng 3 ha của bà Nguyễn Thị Kim Xuân (52 tuổi, xã Trung Lập Thượng) lại luôn bán được giá ngất ngưỡng 60.000 đồng/kg. Mỗi ngày vườn ớt của người phụ nữ này cho thu hoạch 200 kg, tổng thu nhập mỗi tháng gần nửa tỷ đồng.

Bỏ thiết kế về làm nông dân

Nổi bật giữa các cánh đồng lúa bạt ngàn và những thửa ruộng trồng cỏ làm thức ăn cho bò dọc tuyến đường tỉnh lộ 2, huyện Củ Chi là vườn ớt của bà Xuân. Vườn ớt 3 ha được bao phủ bằng hệ thống nhà lưới, khác biệt hẳn so với các mảng xanh xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuân bên cạnh vườn ớt được trồng theo công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến của Israel.

Bên trong nhà lưới, hàng nghìn cây ớt cao đến nửa người lớn đang cho trái. Ớt bà Xuân trồng từng cây vào các túi nylon, đặt cách nhau vài cm và chạy dọc theo từng hàng, thẳng tắp.

Vừa coi sóc, tỉa cành cho vườn ớt, bà Xuân cho hay chỉ mới bắt đầu “khởi nghiệp” hơn một năm nay. Người phụ nữ này trước đó chưa từng có kinh nghiệm về nghề trồng trọt cũng như canh tác nông nghiệp từ trước.

"Tôi có hơn chục năm làm thiết kế và sản xuất hàng may mặc cung cấp cho các siêu thị trong thành phố trước khi quyết định lui về làm nông dân. Hai công việc này vốn không hề liên quan nhau", bà Xuân cười.

Nói về quyết định đột ngột, chủ vườn ớt cho biết một người chị ruột của bà đang sống ở Australia có 17 năm kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp theo công nghệ tiên tiến của Israel. Nhờ công nghệ này mà nông sản cho năng suất, chất lượng vượt trội, đảm bảo an toàn sản xuất.

Khi nhìn thấy nông dân trong nước chủ yếu vẫn canh tác theo hình thức truyền thống mà chưa phát triển nhiều các mô hình tiên tiến, người chị đã khuyến khích bà Xuân mạnh dạn thay đổi.

Cây ớt được trong bầu giá thể và được cung cấp chất dinh dưỡng thông qua hệ thống nhỏ giọt. Ảnh: Phúc Minh.

Có được người đỡ đầu, bà Xuân thuê 3 ha đất trên địa bàn xã Trung Lập Thượng để trồng ớt và chính thức trở thành một nông dân công nghệ cao.

"Tôi may mắn được chị hướng dẫn ngay từ khi bắt đầu nên việc sản xuất cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Các kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm đều được chị chuyển giao. Tôi tiếp nhận và áp dụng cho phù hợp với điều kiện tài chính cũng như đất đai, khí hậu trong nước", nữ nông dân này chia sẻ.

Một người ở Australia, một người ở Việt Nam, do xa cách về địa lý nên hai chị em bà chủ yếu trao đổi thông tin trực tiếp với nhau trên mạng. Tuy chỉ mới bắt đầu trong một thời gian ngắn, đến nay bà Xuân đã rành rẽ, am hiểu về giống, kỹ thuật, cách chăm sóc theo mô hình nông nghiệp tiên tiến để cây ớt vừa cho năng suất tốt vừa đạt chất lượng cao.

Trồng ớt "không chạm đất"

Hiện bà Xuân đang tích cực chia sẻ lại kinh nghiệm sản xuất này cho những hộ nông dân khác trong vùng. Bà cho biết kể từ sau vụ ớt đầu tiên, nhiều nông dân trong và ngoài huyện Củ Chi đã đến tham quan, học hỏi về mô hình trồng ớt của gia đình bà.


Với giá bán 60.000 đồng/kg cho các siêu thị, vườn ớt rộng 3 ha giúp nông dân ở Củ Chi này thu nhập gần nửa tỷ mỗi tháng

Theo bà, điểm khác biệt của công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ Israel chính là việc cách ly hoàn toàn cây ra khỏi mặt đất. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, bà dùng một lớp nylon trải lên mặt đất, sau đó đặt các bầu cây lên.

"Thay vì trồng trực tiếp, mỗi cây được sinh trưởng và phát triển trong một bầu giá thể độc lập. Bên trong mỗi bầu giá thể chỉ có xơ dừa và tro trấu, không có đất hay phân bón hữu cơ. Việc cách ly này nhằm không cho cây hút những tạp chất trong lòng đất như kim loại nặng, nhờ vậy cây ít bệnh tật hơn", bà vừa nói vừa chỉ vào những "bầu giá thể", nơi cây ớt được gửi vào.

Bà còn giới thiệu say sưa về hệ thống chứa dung dịch dinh dưỡng tại một góc vườn. Dung dịch này sẽ được dẫn đến từng gốc cây thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

"Thay vì tưới nước, bón phân theo cách thông thường, hình thức này giúp chất dinh dưỡng được điều tiết chậm rãi, cân bằng, vừa đủ cho cây. Nhờ vậy, cây không bị dư độ đạm, phát triển đồng đều và cho trái quanh năm", bà Xuân giải thích nguyên nhân vườn ớt ra trái đều đặn, cho thu hoạch quanh năm của mình.

Ngoài ra để ngăn côn trùng, vườn được trang bị hệ thống nhà lưới. Nhà lưới giúp phân tán và chia đều hạt mưa cho từng cây ớt bên trong, để không bị úng cây hay trái. Sản xuất theo hình thức này nông dân cũng không sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên nông sản làm ra sạch, an toàn cho sức khỏe con người.

Quá trình chăm sóc, hái trái và sơ chế được bà Xuân áp dụng kỹ lưỡng trước khi phân phối về siêu thị

Thu gần nửa tỷ mỗi tháng

Mỗi ngày vườn ớt 3 ha của bà Xuân đang cho hơn 200 kg trái. Giá các siêu thị thu mua là 60.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi tháng thu nhập cũng gần nửa tỷ. Sau khi trừ hết chi phí, nhân công, vợ chồng bà còn lời hơn 100 triệu đồng.

"Tôi vừa là nông dân, vừa là chủ vườn và kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng. Buổi sáng sau khi lăng xăng ở vườn, phụ mọi người hái ớt và sơ chế là vắt chân lên chạy đôn chạy đáo đi phân phối từ siêu thị này đến siêu thị khác. Vậy mà còn không đủ cung cấp", bà cười nói và nhanh tay phụ chồng chuyển ớt ra xe.

Đều đặn mỗi ngày từ vườn ớt này, nhân công sẽ tập trung hái trái chín và sơ chế tại chỗ. Sau đó, ớt được cho vào từng túi nhỏ theo trọng lượng khoảng 100 gr trước khi mang đến siêu thị.

Ông Võ Đức Huy, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, cho biết đây là mô hình trồng ớt ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ Israel đầu tiên trên địa bàn.

“Với chi phí đầu tư ban đầu gần 3 tỷ đồng, trong đó tốn kém nhất là hệ thống và dung dịch tưới nhỏ giọt, mô hình trồng ớt của bà Xuân được đánh giá rất cao về năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế”, ông Huy nói.

Ông cũng thông tin thêm bà Xuân đã nhiều lần giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cho bà con nông dân tại địa phương, để cùng nâng cao năng suất và chất lượng cây ớt. Nông dân nhiều tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long cũng đến tìm hiểu, học hỏi về mô hình này.

Tuy nhiên, ông Huy cho rằng do chi phí ban đầu của mô hình khá cao nên nhiều nông dân vẫn chưa mạnh dạn đầu tư.

Theo Zing

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

8X Hà Nam lập nghiệp thành công với bánh đa nem xuất khẩu

Tốt nghiệp đại học kinh tế trong TP.HCM và có thời gian làm tại đây vài năm, nhưng chàng trai trẻ quê Hà Nam lại nung nấu ước mơ đưa bánh đa nem của làng nghề vươn ra thế giới. Chàng trai 8x này đã quyết tâm vay vốn để đầu tư theo một mô hình ít ai dám nghĩ tới…

Lấy tiền cưới vợ xây xưởng, 8x trẻ quyết đưa bánh đa nem xuất khẩu

Sinh ra và lớn lên ở một trong những làng nghề bánh đa nem nổi tiếng ở miền Bắc (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân - Hà Nam), nên dù bôn ba làm kinh tế ở ngoài nhiều năm trời, anh Nguyễn Văn Định vẫn thấy hướng phát triển làng nghề là khả quan nhất.

Phên để phơi bánh đa nem

Anh Định chia sẻ: “Từ bé sinh ra ở làng đã có tâm huyết với cái nghề làm bánh đa nem, lại được học hành có kiến thức. Nên tôi rất muốn quay lại đưa bánh đa nem lên một tầm cao hơn. Bên cạnh đó, sử dụng lao động địa phương sẽ dễ quản lý hơn, lại có cơ sở, có người hỗ trợ, tôi mới tự làm chủ được.”

“Không những vậy, còn cải thiện được đời sống của bà con lao động tại đây. Trước đây, thu nhập của lao động trong làng chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày. Nhưng nếu làm cho tôi thì sẽ khoảng 200.000 đồng/ngày”, anh Định cho biết thêm.

Tại làng nghề bánh đa nem này, người dân vẫn thường phơi ngay ngoài đường nhiều bụi bặm

Sở dĩ có sự chênh lệch này, là do anh Định yêu cầu về sự tỉ mỉ và cẩn thận trong tất cả các công đoạn và yêu cầu về vệ sinh cao hơn. Nếu sang mô hình mới, yêu cầu cao hơn nữa, mức thù lao cho lao động sẽ lên 250.000 đồng/ngày, cải thiện rất nhiều so với trước.

Trở về làng và làm thành lập doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bánh đa nem đã 3 năm, nên nhiều bài học cay đắng cũng đã từng trải qua, anh Định chia sẻ: “Lúc mới đi bán hàng, sản phẩm dù đã có logo và đăng ký thương hiệu. Nhưng phản hồi của khách hàng về lần đầu sử dụng là kém, và từ đó họ không mua nữa, ‘một lần bất tín vạn lần bất tin’ dù mình đã khắc phục.”

“Khách chê do bánh hay bị rách, thủng lỗ chỗ. Nguyên do là trong quá trình phơi, lúc bánh tươi phơi không cẩn thận nên dễ rách. Hoặc có xác động vật, tóc, bụi bẩn bám vào khiến bánh không sạch sẽ”, anh Định nói.

Bánh làm làm theo cách cũ thường rách, thủng lỗ chỗ

Vì thế, ý tưởng đầu tư nhà xưởng phơi bánh - điều mà cả làng nghề nơi đây chưa ai dám làm đã được anh Định ấp ủ. Từ mô hình đó, anh Định muốn thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại ở Việt Nam. Sau đó, gây dựng được uy tín để xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, ý định đó vẫn nằm 1 góc cho đến khi gặp được bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu nông sản thì anh Định mới dám quyết tâm làm, bởi đầu ra xuất khẩu đã có.

Cũng có ý tưởng muốn đưa những sản phẩm đặc trưng và có tiềm năng của Việt Nam ra thế giới sau rất nhiều lần tham gia các hội chợ thương mại, bà Hằng đã tìm đến cơ sở của anh Định và đề xuất hợp tác.


Bà Hằng cho biết: “Sau vài năm nghiên thị trường Nam Phi, Thượng Hải, Đài Loan, Thái Lan,…đến năm 2015, tôi chính thức thăm dò thị trường cho sản phẩm bánh đa nem và nhận thấy, nếu chỉ làm thương mại thì rủi ro rất cao.”

“Tôi về Việt Nam và quyết tâm tìm một cơ sở sản xuất cho riêng mình. Thế nhưng, nguyên tắc trong chế biến thực phẩm phải có điều kiện kinh doanh, nhất là cơ sở đủ kinh doanh. Hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều người treo biển hiệu lên nhưng thực tế không đủ điều kiện hoặc làm giả”, bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng: “Do chi phí để đầu tư làm cơ sở đủ điều kiện không hề đơn giản. Từ tập huấn nhân viên, đầu tư thiết bị dụng cụ, máy móc cho đến nhà xưởng đều rất tốn kém. Nên các hộ sản xuất nhỏ lẻ gần như không dám đầu tư vì sợ rủi ro. Thứ 2, một số DN không muốn bỏ ra mà chỉ muốn làm giả.”


“Nên phải đến tháng 1 năm nay, sau một thời gian thuyết phục Định nhìn xa hơn và cùng góp vốn thì xưởng phơi bánh đa nem khép kín mới ra đời. Và thị trường tiêu thụ trước mắt sẽ là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Đài Loan,…”, bà Hằng cho biết thêm.

Nhà xưởng đang trong quá trình hoàn thiện


Sở dĩ bà Hằng chọn thị trường Trung Quốc là do: “Nhu cầu của thị trường này vô cùng lớn, tôi và một người bạn đã có đầu mối xuất khẩu bánh đa dế sang đó khá ổn định. Cứ trung bình, mỗi tháng xuất sang đó 3 container.”

“Với quy mô hiện tại, nếu tăng hết công suất sẽ được 400 - 500 kg bánh/ngày. Nếu đẩy lên 2 máy tráng bánh và dùng máy sấy liên tục thì hoàn toàn đủ sản lượng để xuất khẩu”, bà Hằng chia sẻ.

Lao động trẻ tại địa phương có thêm việc làm

Để cho ra đời được xưởng phơi khép kín này, anh Định đã phải dồn hết số tiền dành dụm để cưới vợ. Tuy nhiên, anh Định rất lạc quan cho biết: “Trước khi đầu tư nhà xưởng làm theo cách cũ, trung bình mỗi ngày cũng có thể tiêu thụ được khoảng 6 - 7 tạ bánh cho doanh thu vào khoảng 15 - 17 triệu đồng/ngày.”

“Nếu hoàn thành nhà xưởng đi vào hoạt động, chất lượng bánh đa nem cao hơn sẽ có thể tăng giá bán lên 15 - 20% so với trước cho thị trường trong nước. Đầu ra trước đây của tôi đã khá ổn định, nên sản phẩm sạch sẽ càng được đón nhận hơn”, giám đốc trẻ tự tin chia sẻ.

Phụ phẩm có thể bán cho các hộ nuôi lợn với giá 3.000 đồng/kg

Nhiều người trẻ hiện nay vẫn đang loay hoay tìm cách khởi nghiệp cho mình. Nhưng nhiều người quên rằng, tận dụng được những lợi thế vô hình từ địa phương mình như sản phẩm làng nghề lại dễ thành công hơn.

Phong trào “mỗi làng, một sản phẩm” do Giáo sư Hiramatsu Morihiko, Chủ tịch tỉnh Oita khởi xướng từ năm 1979, đã được nhân rộng trên toàn nước Nhật với câu khẩu ngữ: "Hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu". Đây chính là bài học thành công mà người Nhật đã lan rộng ra được rất nhiều quốc gia trên thế giới mà anh Định hay nhiều người trẻ khác cần học hỏi.

Theo enternews - Nguồn Dân Trí

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Nguyễn Duy Lân: Từ đam mê toán học đến kỹ sư bảo mật Microsoft

Tư duy logic, ham học và mộc mạc, anh Nguyễn Duy Lân có các đặc trưng điển hình của một kỹ sư phần mềm, cùng với một chút dí dỏm thông minh.


Sau khi tốt nghiệp cử nhân Khoa học máy tính loại xuất sắc tại một trong những đại học tốt nhất tại Úc, University of New South Wales, anh tiếp tục được học bổng học Tiến sỹ với luận văn về “mật mã học” (crytography) tại University of Western Sydney. Luận văn này được trao giải nhì cho luận khoa học máy tính xuất sắc tại Úc và New Zealand trong năm anh tốt nghiệp.

Đam mê toán học từ một lời nói dối

“Chúng ta nên theo đuổi đam mê của mình vì chặng đường đó hạnh phúc hơn hầu hết mọi thứ còn lại”, Elon Musk nói về những niềm đam mê.

Ai cũng có thể viết code (mật mã máy tính) nhưng để trở thành lập trình viên hoặc kỹ sư phần mềm có thể tạo ra các code chất lượng cao, sẽ cần hai tố chất đam mê và khả năng tư duy. Coding và toán học luôn có sự tương quan mật thiết. Không phải ai giỏi toán cũng thành coder nhưng phần lớn coder giỏi đều có năng khiếu toán học từ sớm.

Niềm đam mê toán học của Nguyễn Duy Lân được chấp cánh khi anh ngồi trên ghế nhà trường cấp 3. Người thầy dạy toán đã đùa là các anh chị đoạt Giải toán Quốc tế đều đã có học bổng đi nước ngoài, cậu học trò Nguyễn Duy Lân như tìm được mục tiêu cho mình và đoạt Giải Nhì Toán Quốc tế trong năm đó. Không lâu sau, anh phát hiện các anh chị này vẫn còn ở Việt Nam và đây chỉ là lời nói dối động viên của người thầy. Tuy nhiên, lời nói dối này đã được anh biến thành sự thật.

Anh tìm được học bổng của Chính phủ Úc và chọn học tại University of New South Wales với chọn lựa giữa hai ngành học là toán hoặc máy tính. Con đường đến với máy tính, ngành mật mã học rồi đến ngành bảo mật thông tin cũng xuất phát từ đam mê toán học. Anh Lân chia sẻ lý do anh chọn mật mã học là vì ngành này rất gần gũi với toán học. Và anh tìm đến ngành bảo mật cũng vì ngành này đòi hỏi chất toán, cùng tính logic cao và sự nhạy cảm để phát hiện ra các lỗ hổng hệ thống.

Niềm đam mê toán học cùng sự tò mò vô hạn về công nghệ, anh tiếp tục tìm kiếm học bổng để làm tiến sỹ ngay sau khi hoàn thành cử nhân khoa học máy tính. Sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ “Công nghệ Mật mã tăng cường Bảo mật riêng tư” trong 4 năm, anh tiến hành nghiên cứu sau tiến sỹ về phát triển một dự án xây dựng hệ thống bảo mật dành cho dữ liệu định danh trực tuyến về sức khoẻ tại CSIRO, một tổ chức nghiên cứu độc lập thuộc điều hành của Chính phủ Úc.

Đầu quân vào Titan Microsoft

Vẫn theo đuổi đam mê toán học khi đã bắt đầu đi làm, anh tiếp cận các mảng khoa học máy tính làm nền tảng cho sản phẩm bảo mật V-SOC của chính mình sau này, là dữ liệu lớn, machine learning, deep learning. Anh chia sẻ phương pháp học của bản thân qua câu nói của Elon Musk, “Kiến thức nên được hiểu như một biểu đồ cây. Điều quan trọng là phải hiểu rõ các quy luật cơ bản, thân cây, các nhánh chính, trước khi đi vào cành và lá, nếu không thì sẽ không có gì cho cành và lá bám vào.” Anh tâm niệm rằng học để xây dựng kiến thức nền rộng và đa dạng, là hành trang rất quan trọng cho mỗi sự thành công.

Vào năm 2007, trước kỷ nguyên của Facebook, Apple và Uber, Microsoft chính là người khổng lồ Titan trong các công ty công nghệ. Nói cách khác, Microsoft chính là tiền bối của các công ty công nghệ lẫy lừng hiện nay. Và anh Lân đã gia nhập vào người khổng lồ Titan này vào thời hoàng kim của công ty công nghệ này.

Được sự giới thiệu của một người bạn khi đang làm việc tại Canada, anh quyết định thi tuyển vào Microsoft. Sau nhiều vòng thi, anh được tuyển dụng vào một dự án khởi nghiệp của công ty. Chưa đầy một năm, dự án bị huỷ bỏ và các thành viên của dự án này phải tìm một vị trí mới cho mình. Không nản chí, anh nhanh chóng tìm được một vị trí khác chuyên sâu nghiên cứu về Mật mã Ứng dụng tại Microsoft Research trong các cuộc tuyển dụng nội bộ.

Trong thời gian tại Microsoft, anh trở thành thành viên Ban Mật mã học. Đồng thời, anh đã tham gia phát triển các sản phẩm phần mềm được sử dụng trong hơn 20 sản phẩm chính của Microsoft cho hàng triệu người sử dụng, bao gồm bảo mật dữ liệu cho công cụ tìm kiếm nổi tiếng Bing.

Biệt đội đào ngũ của Microsoft

Sau 8 năm tại Microsoft, anh Lân cùng 4 đồng nghiệp tại Microsoft quyết định thành lập Veramine. Với mong muốn có thể xây dựng sản phẩm của riêng mình, Veramine bao gồm 1 người Mỹ, 2 người Ba Lan và 2 người Việt Nam, là những chuyên gia bảo mật chủ chốt đã từng tham gia vào công việc ứng phó, vá lỗi, và cập nhật về bảo mật cho các sản phẩm quan trọng nhất của Microsoft như Windows, Office, Azure, Xbox…

Sau 2 năm phát triển, sản phẩm V-SOC đã có khách hàng tại Mỹ, Singapore, Việt Nam và sắp tới là tại Úc, những khách hàng tiêu biểu của Veramine có thể kể đến như Không Quân Mỹ, Bộ An Toàn Nội Địa Mỹ và Bộ Quốc phòng Singapore. Verimine cũng đang hợp tác với Không Quân Mỹ và Bộ An Ninh Nội địa Mỹ để phát triển kỹ thuật Bẫy Hackers (Deception Techniques) để bảo vệ các hệ thống thông tin của chính phủ Mỹ một cách chủ động hơn.

V-SOC như một hệ thống camera giám sát để thu thập dữ liệu trong mọi hoạt động của hệ thống máy tính trên thời gian thực. Những dữ liệu này được phân tích, điều tra và đưa ra các cảnh báo bằng các thuật toán và machine learning, rồi đưa những mệnh lệnh xuống các máy trạm và thiết bị để xử lý và khống chế những cuộc tấn công mạng hay mã độc trong toàn bộ hệ thống. 

Điểm mạnh nhất của sản phẩm so với các sản phẩm khác, kể cả từ các hãng bảo mật lớn trên thế giới, nằm ở khả năng giám sát, phân tích và kiểm soát những vấn đề bảo mật hay sự cố trong các hệ thống. Anh Lân cho biết điểm yếu của các sản phẩm trên thế giới là chỉ chủ yếu phân tích files, nên Veramine đã phát triển thêm các khả năng thu thập và phân tích đa dạng hoạt động và hành vi trong các máy tính (như của tiến trình, người dùng, dữ liệu mạng...), để đưa ra các cảnh báo một cách chính xác và toàn diện nhất.

Anh Lân chia sẻ về định hướng của Veramine, “Nguồn lực hiện vẫn chủ yếu tập trung vào phát triển sản phẩm, phần bán hàng đang phát triển bị động. Với uy tín của các thành viên, sự hợp tác diễn ra khá dễ dàng với khách hàng và đối tác, vì họ sẵn sàng đưa sản phẩm Veramine vào thử nghiệm và đánh giá, qua đó đưa ra các quyết định hợp tác với Veramine. Trong tương lai, Veramine sẽ có những đầu tư về mặt phát triển doanh số, nhưng chủ yếu vẫn sẽ là đẩy mạnh liên kết với các đối tác để đưa các giải pháp của Veramine tới khách hàng. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm sẽ luôn là ưu tiên vì đây là thế mạnh và đam mê của các thành viên.”

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Yếu tố làm cho Tân Hiệp Phát đạt siêu lợi nhuận

Vượt qua khủng hoảng 'con ruồi trong chai Number 1', lợi nhuận của tập đoàn Tân Hiệp Phát tăng 62% lên 1.580 tỷ đồng trong năm 2017.

Siêu lợi nhuận của Tân Hiệp Phát từ Trà xanh 0 độ, Dr. Thanh và nước tăng lực Number One

Thành tập từ năm 1994, Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát (THP) là một trong những doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất Việt Nam. Hệ thống của Tân Hiệp Phát tập trung vào 3 dòng sản phẩm chính là nước uống tăng lực và các sản phẩm thương hiệu Number 1, trà xanh 0 độ và trà thảo mộc Dr.Thanh. 

Theo báo cáo của Euromonitor, Tân Hiệp Phát đang là đơn vị dẫn đầu thị trường trà đóng chai (Ready to drink Tea –RTD) tại Việt Nam với 9,2% thị phần trà xanh 0 độ và 1,7% thị phần trà Dr.Thanh. 

Trong bối cảnh thị trường nước giải khát không cồn bùng nổ những năm qua, Tân Hiệp Phát đã có những hoạt động mở rộng quy mô thông qua việc đầu tư vào nhà máy sản xuất mới tại Chu Lai. 

Hiện tại, tập đoàn này có 3 nhà máy sản xuất đó là Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Tân Hiệp Phát (quản lý nhà máy lớn nhất ở Bình Dương); công ty TNHH Number One Hà Nam (nhà máy ở Hà Nam) và mới đi vào hoạt động từ năm 2017 là công ty TNHH Number One Chu Lai (nhà máy ở Chu Lai).

Việc xây dựng nhà máy mới đúng thời điểm Tân Hiệp Phát gặp khủng hoảng truyền thông “con ruồi trong chai Number 1” cuối năm 2015 khiến hoạt động kinh doanh của tập đoàn này bị ảnh hưởng. Chia sẻ trên truyền thông, ban lãnh đạo của tập đoàn cho biết Tân Hiệp Phát bị thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng, doanh số bán hàng bị tác động đúng vào Tết nguyên đán – mùa bán hàng tốt nhất.

Kết quả, năm 2016, doanh thu của tập đoàn Tân Hiệp Phát chỉ khoảng 5.800 tỷ đồng. Đây là con số kém ấn tượng khi doanh thu của Tân Hiệp Phát từ năm 2014 đã trên 7.000  tỷ đồng.

Sang năm 2017, Tân Hiệp Phát cho biết mình đã cải tổ bộ máy hoạt động để tăng hiệu quả vận hành. Những hoạt động này dường như đã mang lại thay đổi tích cực lên kết quả kinh doanh của tập đoàn này. Doanh thu toàn tập đoàn Tân Hiệp Phát tăng 20% so với năm 2016, đạt xấp xỉ 7.000 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận của tập đoàn tăng đến 62%, đạt 1.580 tỷ đồng.

Sau khủng hoảng, các nhà máy tại Bình Dương và Hà Nam đã hoạt động với công suất cao hơn. Nhà máy mới khánh thành tại Chu Lai vẫn chưa ghi nhận doanh thu và lỗ 3,7 tỷ đồng năm ngoái.

So với năm 2016, tốc độ tăng lợi nhuận của Tân Hiệp Phát nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ tăng doanh thu. Điều này phần nào phản ánh khả năng sinh lời rất cao của ngành kinh doanh nước đóng chai. 

Kể cả trong tâm bão khủng hoảng, chỉ có doanh thu của Tân Hiệp Phát bị ảnh hưởng, còn tỷ suất lợi nhuận gộp biên của các nhà máy vẫn duy trì ở trên dưới 40%, tương đương với việc bán một chai nước 10 đồng công ty thì thu lãi gộp 4 đồng.

Nguồn thu lớn từ bán nước giải khát giúp Tân Hiệp Phát mở rộng tham vọng của mình thông qua những nhà máy mới. Tập đoàn đang xây dựng một nhà máy khác tại Hậu Giang. Mặc dù vậy, nguồn tiền dồi dào cũng khiến gia đình ‘Dr.Thanh’ vướng vào mối quan hệ phức tạp với Phạm Công Danh và đại án tại ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Trở về lĩnh vực cốt lõi, Tân Hiệp Phát cho thấy mình làm tốt hơn hẳn. Kết quả kinh doanh của tập đoàn được cải thiện, bất chấp thị trường trà đóng chai đang bị thu hẹp. Giai đoạn từ năm 2012 – 2017, tăng trưởng bình quân của mặt hàng này đạt 14,7%. Thế nhưng tính riêng năm 2016 – 2017, nhu cầu đã chững lại thấy rõ khi tăng trưởng trà đóng chai trong năm chỉ đạt 2,8%.

Theo Euromonitor, thị trường nước giải khát đang bị ảnh hưởng bởi xu hướng ngày càng quan tâm tới sức khỏe của người tiêu dùng. Các nhãn hàng như Coca-Cola hay Pepsi phải tung ra các sản phẩm ít calo và giảm đường để phục vụ nhu cầu mới.

Bên cạnh đó, các loại thức uống thể thao cũng được đà tăng mạnh, nhờ vào số lượng người đi tập gym và luyện tập tại Việt Nam ngày một tăng.

Ở chiều ngược lại, những sản phẩm nhiều đường như trà đóng chai hay có nhiều caffein, không tốt cho sức khỏe như nước tăng lực dần bị hạn chế. Đây lại là những dòng sản phẩm chủ lực của Tân Hiệp Phát, với trà giải nhiệt Dr.Thanh, trà xanh 0 độ và nước tăng lực Number 1.

Trước sức ép của thị trường, những năm gần đây Tân Hiệp Phát cũng đã cho ra đời những dòng sản phẩm mới lành mạnh hơn thuộc thương hiệu Number 1 như nước ép trái cây Number 1 Juicie, sữa đậu nành Number 1 Soya, Sữa đậu xanh Number 1 Soya, nước tinh khiết Number 1, nước uống vận động Number 1 Active,... 
Trần Anh - TheLEADER

Bến Tre: Nông dân thu lãi cao từ giống dừa thấp

Lâu nay, nhắc đến cây dừa người ta thường nghĩ đến xứ sở Bến Tre. Thế nhưng, hiện nay ở TPHCM cũng có một số địa phương trồng dừa. Giống dừa nông dân TP trồng có dạng thấp lùn, nhưng lại cho thu nhập khá cao.


Đó là dừa xiêm đỏ (giống Malaysia), đang được nhiều nông dân ở xã Bình Lợi và xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) trồng, với tổng diện tích khoảng 100ha.
Người tiên phong trong phong trào trồng dừa xiêm đỏ ở huyện Bình Chánh là ông Trương Văn Nhuận (còn gọi Sáu Tâm), hiện đang cư ngụ ở số B7/235 đường Trương Văn Đa thuộc ấp 2, xã Bình Lợi.
Gia đình ông Sáu Tâm có 4ha đất, trước kia trồng mía thường xuyên đối mặt với điệp khúc “được mùa, mất giá”.
Năm 2006, cả khu vực xã Bình Lợi bị nước lũ từ thượng nguồn tràn về, mía ngập úng chết hàng loạt cho không ai lấy, ông bỏ cây mía chuyển sang trồng cây tràm.
Bến Tre: Nông dân thu lãi cao từ giống dừa thấp
Ông Sáu Tâm chăm sóc đám dừa xiêm giống
Cây tràm từ lúc trồng đến lúc thu hoạch hơn 3 năm nhưng thương lái thu mua chỉ 70 - 80 triệu đồng/ha, tính ra còn chưa đủ vốn nhưng ông vẫn cứ bám víu với cây tràm vì chưa tìm được giống cây trồng nào thích hợp.
Trong nhiều lần đi làm công tác từ thiện ở tỉnh Bến Tre, được bạn bè giới thiệu giống dừa xiêm đỏ Malaysia có nhiều ưu thế như dễ trồng, trái sai, chất lượng trái tốt, được thị trường ưa chuộng, đặc biệt thân cây thấp dễ thu hoạch,  ông Sáu Tâm liền mua 50 cây giống đem về trồng thử nghiệm.
Vùng đất Bình Lợi nhiễm phèn mặn, rất thích hợp với cây dừa nên giống dừa xiêm đỏ phát triển vượt trội. Thấy có hiệu quả, số dừa thu hoạch được ông Sáu Tâm để lại làm giống, đồng thời thuê xe cơ giới đào mương, lên liếp 3ha đất để chuyên canh giống dừa xiêm đỏ.
Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, ông trồng cây cách cây 6m, hàng cách hàng 6m, trung bình 1ha trồng khoảng 300 cây. Lợi thế của cây dừa xiêm đỏ là mau cho sản phẩm thu hoạch, khoảng 22 tháng sau khi trồng thì cây dừa ra bông và cho trái chiến, đến tháng thứ 28 thì trái ra đều, thu hoạch rộ.
Vườn dừa của ông Sáu Tâm hiện đã tăng lên 900 cây. Tính trung bình một cây dừa cho 10 trái, cứ 20 ngày thu hoạch một đợt được 9.000 trái, bán với giá 6.000 đồng/trái, ông thu được hơn 860 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, mỗi năm ông còn bán 12.000 trái dừa giống với giá 28.000 đồng/trái, kiếm thêm hơn 330 triệu đồng. Tính chung, trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông thu lãi từ cây dừa hơn 1 tỷ đồng.
Ông Sáu Tâm chia sẻ: “Giống dừa này thấp lùn, lúc mới có trái nằm sát mặt đất hoặc ngang đầu người, rất dễ thu hoạch. Hiện nay, sau 10 năm trồng, cây dừa trong vườn nhà tôi cao nhất chỉ hơn 2m, khi thu hoạch bắc ghế hoặc thang với lên là tới, không phải leo trèo gì cả.
Giống dừa xiêm đỏ cũng dễ bán, lúc cao điểm vào mùa nắng, thương lái ở các quận 7, 12, Gò Vấp đến tận vườn mua với giá 8.000 - 10.000 đồng/trái, hàng không đủ bán”.
Theo UBND xã Bình Lợi, hưởng ứng chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay toàn xã có khoảng 30 hộ nông dân chuyển đổi đất trồng mía, trồng tràm sang trồng hơn 50ha dừa xiêm đỏ Malaysia. Cây dừa không chỉ góp phần chống sạt lở đất, cho bóng mát bảo vệ cảnh quan môi trường, mà còn giúp nhiều nông dân làm giàu trên mảnh đất vốn bạc màu, cằn cỗi của quê hương mình.
TRẦN CÔNG TẠO - SGGP

Ông trùm công nghệ Dropbox chia sẻ 7 bài học khởi nghiệp

Drew Houston, CEO của Dropbox mới đây đã chia sẻ những lời khuyên trong việc gây dựng và mở rộng doanh nghiệp.


Ông trùm công nghệ Dropbox chia sẻ 7 bài học khởi nghiệp

Drew Houston đồng sáng lập Dropbox vào tháng 6 năm 2007, một năm sau khi tốt nghiệp từ học viện công nghệ MIT. Sau 11 năm, từ một startup với trụ sở nằm trong một căn hộ nhỏ, Dropbox phát triển thành doanh nghiệp cung cấp phần mềm nổi tiếng toàn cầu với hơn 2.000 nhân viên, được định giá 20 tỷ USD. Mới đây, Houston trở lại học viện công nghệ MIT và có buổi trò chuyện với sinh viên về những kinh nghiệm thu được sau chặng đường khởi nghiệp.

Đừng chờ đợi thời điểm tối ưu

Houston cho biết ông hiểu các kỹ sư phần mềm thường có tâm lý cố gắng tối ưu hóa mọi thứ. Tuy nhiên suy nghĩ này sẽ cản trở việc bắt đầu một công ty. Nếu bạn cố gắng thực hiện xong lộ trình, ví dụ như từ làm việc cho một công ty nhỏ, chuyển sang công ty trung bình rồi gia nhập một công ty lớn, trong khi đó cố gắng lấy bằng Thạc sĩ rồi mới thành lập công ty, thì khi có cơ hội bạn đã đến tuổi nghỉ hưu.

Houston nhấn mạnh: "Việc tốt nghiệp và thành lập công ty ngay sau đó có thể không phải là sự lựa chọn lý tưởng nhưng đừng bao giờ bị ảnh hưởng bởi một lộ trình nào đó". Đồng thời, ông cũng lưu ý các sinh viên MIT đừng căng thẳng quá nhiều về việc chờ đến khi sẵn sàng, bởi sự chuẩn bị tốt nhất để trở thành một người sáng lập hoặc CEO chính là đóng vai trò người sáng lập hoặc CEO. 

Cách học tốt nhất là đọc sách thật nhiều

Để học cách điều hành một doanh nghiệp, ban đầu, Houston tìm cách gặp và trao đổi với nhiều người thành công. Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận ra rằng, không có nhiều thứ người ta có thể chia sẻ trong một buổi gặp mặt uống café chỉ kéo dài 15 phút, và hầu hết tất cả đều đề cập đến những kinh nghiệm giống nhau.

Thay vào đó, Houston bắt đầu dành thời gian đọc sách. Để tìm hiểu về việc bán hàng, ông đã mua 3 cuốn sách được đánh giá cao nhất trên Amazon. "Những cuốn sách này không khiến bạn chào hàng tốt hơn, những nó giúp bạn biết nên làm gì và đặt mục tiêu như nào ở từng bước".

Việc học một cách có hệ thống qua từng chương sách giúp các nhà lãnh đạo tương lai tiếp cận các chủ đề mà họ chưa bao giờ hứng thú một cách dễ dàng hơn. Trong trường hợp là một kỹ sư phần mềm như Houston, thứ ông học được là kỹ năng về diễn giải trước công chúng và quản lý kinh doanh. CEO Dropbox chia sẻ: "Cũng giống khi bạn học đi xe đẹp, bạn không thể nản chí hay dừng lại nếu bị ngã – và rồi cuối cùng mọi việc sẽ trở nên dễ dàng".

Tìm một cố vấn đã có những bước đi trước bạn

Khi Dropbox bắt đầu phát triển, Houston cho biết một trong những người cố vấn đắc lực nhất của ông thời điểm đó đang điều hành một startup khác đã thành lập được 2 năm. Đó là một công ty đã gọi vốn thành công một triệu USD và tổ chức được đội ngũ nhân sự đắc lực.

Việc có một cố vấn là rất quan trọng bởi bạn có thể hỏi họ những câu hỏi mang tính chiến lược và chi tiết về việc điều hành một công ty khởi nghiệp. Ví dụ, nếu bạn có những thắc mắc về cách giải quyết những yêu cầu của một nhà đầu tư tiềm năng, bạn có thể hỏi cố vấn, người đã từng trải qua giai đoạn đó để nhận được sự tư vấn thực tế.

Ngoài ra, tìm hiểu về những kinh nghiệm của những cố vấn này sẽ giúp bạn hiểu những điều đang chờ bạn trong một hoặc hai năm tới: khi nào nên tập trung vào gọi vốn, thu hút người dùng, hay thời điểm nào nên tuyển dụng nhân sự… CEO của Dropbox cho biết: "Bạn không cần phải có một danh sách hoàn hảo từng bước đi cho doanh nghiệp mà nên có một bản đồ về những thứ cần phải học và lộ trình thực tế nhất để tìm hiểu chúng".

Cân bằng giữa nhân sự cũ và nhân sự mới

Khi một startup phát triển, đặc biệt là nếu nó phát triển một cách nhanh chóng, những nhân viên đầu tiên sẽ tự thấy bản thân mình đang đảm nhiệm những vai trò to lớn hơn so với trước.  Tại thời điểm này, việc bắt đầu thuê thêm nhân sự cấp cao "không gắn bó với công ty từ những ngày đầu" sẽ có ích. Bởi những người mới và người cũ sẽ có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Vào năm 2014, Dropbox đã thuê Dennis Woodside khi ông đang điều hành một lĩnh vực kinh doanh có giá trị 17 tỷ USD tại Google. Năm ngoái, công ty cũng đã thuê Quentin Clark trở thành phó chủ tịch cấp cao về công nghệ, sản xuất và thiết kế. Công việc trước đây là Quentin là quản lý một đội kỹ sư ở Microsoft và SAP với số lượng còn lớn hơn cả Dropbox.

Tuy nhiên Houston cũng lưu ý rằng: "Thêm những nhân tố mới từ bên ngoài sẽ giúp công ty phát triển nhanh hơn, nhưng nếu 'cấy ghép' quá nhiều sẽ dễ dẫn đến một sự xung đột trong tổ chức".

Tạo nên những thứ khó sao chép

Rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ tài liệu đám mây. Thậm chí một số đơn vị còn đi trước cả Dropbox, quy mô lớn hơn và có nhiều sản phẩm hơn.

Chiến lược của Dropbox là tạo ra một sản phẩm mà các đối tác khó có thể làm theo. Dropbox Paper là một sản phẩm hợp tác sử dụng tài liệu nhưng nhấn mạnh vào việc kết nối những cá nhân đang cùng làm việc trong tài liệu đó, chứ không phải là định dạng lại tài liệu.

Theo Houston, nếu các đối thủ cạnh tranh muốn học theo Dropbox, họ sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ trong nền tảng của mình, gần như là cung cấp lại toàn bộ dịch vụ mà người dùng đang sử dụng.

Đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu của thế giới

Dropbox đã chuyển đổi cốt lõi kinh doanh của công ty từ cung cấp dịch vụ lưu trữ tài liệu trên đám mây thành giúp người dùng làm việc một cách sáng tạo và hiệu quả. Houston cho biết: "Vấn đề mà tôi giải quyết với người dùng ngày hôm nay khác rất nhiều so với 10 năm trước".

Những nhân viên văn phòng ngày nay làm việc nhiều hơn với màn hình máy tính, vì vậy, Dropbox cũng đang phải cải thiện các thiết kế, độ hữu ích để phục vụ người dùng chu đáo hơn.

Luôn giữ sự bình tĩnh

Houston chia sẻ, có nhiều thời điểm khó khăn đã xảy ra tại Dropbox khiến ông nghĩ rằng guồng máy công ty đang vận hành nhanh hơn mức ông có thể đáp ứng và có ý định nhường lại vị trí lãnh đạo cho một người khác.

Tuy nhiên sau khi đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, Houston nhận ra rằng, ông vẫn muốn vượt qua những thử thách để tiếp tục chèo lái công ty. Với tư cách là CEO của một startup mới lên sàn chứng khoán, những vấn đề xảy ra sắp tới có thể chưa bao giờ trải qua, nhưng Houston cho biết, ông có thể kiểm soát cách bản thân phản ứng lại các khó khăn đó.

Chuẩn bị cho mình sự tự nhận thức, thái độ quan tâm và bình thản là việc rất hữu dụng, CEO của Dropbox chia sẻ: "Trở thành một CEO là trải nghiệm có ích nhất nhưng cũng đau đớn nhất của tôi".

Theo Vnexpress.net

Trở thành tỷ phú trẻ từ lươn giống của chàng trai trẻ Vĩnh Long

Đưa tay lựa chọn những con lươn giống khỏe mạnh đang tung tăng trong bể chứa, ông Nguyễn Văn Tám, 55 tuổi ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp kể với chúng tôi: “Trước đây tôi chuyên nuôi ếch Thái nhưng thu hoạch không ổn định, đầu ra sản phẩm rất bấp bênh, lại phụ thuộc rất nhiều vào thương lái.

Nghe nhiều người mách nước, tôi sang đây dự kiến mua khoảng 5.000 con lươn giống của anh Tân về nuôi, hy vọng sẽ thành công bởi xóm tôi đã có rất nhiều người làm giàu từ nguồn giống tại đây”.
Trở thành tỷ phú trẻ từ lươn giống của chàng trai trẻ Vĩnh Long
Anh Nguyễn Thanh Tân
Trại lươn giống mà ông Tám đang đến giao dịch mang tên Thanh Tân, tọa lạc tại ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Kể về cơ duyên đến với nghề sản xuất lươn giống, anh Nguyễn Thanh Tân 39 tuổi kể rất hào hứng : “ Thấy vậy chớ hồi đầu “te tua” lắm vì thiếu kinh nghiệm, 3 năm đầu thất bại lỗ cả trăm triệu, tưởng đâu phá sản rồi. May mà tôi không nản chí bởi “thất bại là mẹ thành công”. Vậy là nghiên cứu, mày mò, sáng tạo và đã thành công như hôm nay”.

Vốn xuất thân là một cán bộ KHKT, từ nhỏ anh Tân đã rất đam mê nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như : cá trê vàng lai, cá ba sa, cá lóc, ếch…đặc biệt là lươn. Tuy nhiên ước mơ ấy đã không thành khi anh đảm nhận chức danh giám đốc kinh doanh của một công ty nước ngoài chuyên kinh doanh dừa tại Bến Tre khi mới 29 tuổi kèm theo mức lương xấp xỉ 30 triệu đồng mỗi tháng.

Năm 2010, anh quyết định xin thôi việc để về quê nhà để theo đuổi ước mơ của mình. Và con lươn giống lẫn lươn thành phẩm là mục tiêu hướng đến của mình.

Lý giải về hướng đi khá mới mẽ nầy, anh Tân cho biết : “Tôi nghĩ lươn thương phẩm hiện nay bán rất có giá trên thương trường; người nuôi rất ít so với các loại thủy sản khác nên giá cả rất ổn định, không dội hàng. Cạnh đó nếu thành công thì nguồn lãi thu về rất lớn, độ rủi ro thấp; không cần quá nhiều diện tích đất để kinh doanh; rất dễ mở rộng thị trường trong và ngoài nước”.

Ban đầu anh thuê 200 mét vuông đất để thả nuôi 200 ký lươn con mua tại tỉnh An Giang với giá 70 triệu đồng. Sau 10 tháng nuôi lươn chết hơn 60%, 20 % còn lại không tăng trưởng như mong muốn. Lần nuôi đầu tiên anh đã lỗ 60 triệu đồng. Không nản chí anh tiếp tục nuôi lần 2 với những giải pháp tốt hơn. Tuy nhiên anh vẫn đã chấp nhận lỗ xấp xỉ 30 triệu đồng. Đến lần thứ 3 năm 2012, bằng nhiều cach làm hiệu quả và từ kinh nghiệm thực tế sau 2 lần thất bại anh đã thành công với tỉ lệ hao hụt xấp xỉ 5% và lươn lớn rất nhanh, khỏe, màu sắc óng ánh, thịt chắc, thơm ngon.

Hiện nay, thức ăn cho lươn là sản phẩm công nghiệp chất lượng cao luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên rất được thương lái ưa chuộng. Đây cũng là điều kiện cơ bản quan trọng để lươn giống Thanh Tân tìm đường xuất ngoại.
Trở thành tỷ phú trẻ từ lươn giống của chàng trai trẻ Vĩnh Long
Lươn giống trong bể nuôi của anh Tân
Tiếng lành đồn xa. Nhiều người nuôi từ các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ đã tìm đến mua lươn giống từ trại Thanh Tân. Trước xu hướng phát triển khá thuận lợi, anh Tân đã chuyển hướng tập trung vào việc sản xuất lươn giống con từ những cặp bố mẹ có tại trang trại của mình và mở rộng diện tích nuôi lên 2.000 mét vuông, nhiều gấp 10 lần so với trước với trên 40 bể nuôi, mỗi bể có diện tich 4 mét vuông.

Bà Trần Thị Lài, ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vui vẻ khoe : “Tui mần ăn với cháu Tân đã 3 năm, lời dữ lắm vì lươn giống tại đây chất lượng cao, mau lớn, không bị hao hụt. Đã vậy có gì chưa ổn thì cứ “a lô” là được cháu Tân tư vấn rất cụ thể, rõ ràng, trách nhiệm. Mà đâu chỉ có gia đình tui, xóm nầy ai cũng nuôi lươn từ cơ sở Thanh Tân, lời nhiều hơn nuôi cá, nuôi tôm lắm”.

Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm anh xuất bán khoản 1.000.000 con giống với giá bán từ 2.000 đến 4.000 đồng/con, sau khi trừ hết chi chi phí thức ăn, tiền thuê người lao động, tiền vận chuyển…anh còn lãi xấp xỉ 1 tỷ đồng. Riêng năm 2017, do giá lươn giống tăng đột biến, anh đã lãi trên 1,2 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Nguyễn Thanh Tân còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người.
Trở thành tỷ phú trẻ từ lươn giống của chàng trai trẻ Vĩnh Long
Thương lái đến đặt hàng
Ông Nguyễn Hùng Dũng, chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ không giấu được sự ngưỡng mộ khi kể về anh Tân : “Đây là người thanh niên tiêu biểu cho sự cần cù, đam mê, sáng tạo, không đầu hàng trước mọi khó khăn dẫn đến thành công. Cạnh đó anh Tân là người có tấm lòng nhân ái bởi hàng năm anh tự đóng góp nhiều tiền, quà tặng cho bà con nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng cầu đường nông thôn”.

Điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là trong năm 2017, cơ sở Thanh Tân đã xuất ngoại được 16.000 con lươn giống chất lượng cao sang 2 thị trường châu Á được xem là khó tính là Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm nay, dự kiến lươn “ xuất ngoại” của anh Tân sẽ lên đến 100.000 con, mở ra con đường làm ăn mới rất lạc quan.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tân cho biết đã đầu từ thêm 4.000 mét vuông để nhân đôi qui mô sản xuất, dự kiến cung ứng ra thị trường 2 triệu con giống; mở đại lý cung cấp lươn giống “Thanh Tân” tại các tỉnh phía Bắc.

Cách khởi nghiệp của chàng thanh niên Nguyễn Thanh Tân quả đáng trân trọng bởi hiệu qủa mang lại rất cao. Và trong khi nhiều loại thủy sản đang loay hoay với bài toán “trúng mùa rớt giá” hoặc “Rớt mùa, trúng giá” hay bị ép gía, dội hàng từ thị trường Trung Quốc thì mô hình nuôi lươn giống để cung ứng nguồn lươn thương phẩm cho thị trường giúp người nuôi có nguồn lãi cao và ổn định quả là tín hiệu rất đáng mừng.

TRƯƠNG THANH LIÊM

Tên tuổi 10 tỷ phú công nghệ giàu nhất hành tinh

Mới đây, tờ Sunday Times vừa công bố 10 tỷ phú công nghệ giàu nhất hiện nay. Dẫn đầu danh sách này là Jeff Bezos, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành trang mua bán trực tuyến Amazon với tổng tài sản lên đến 112,6 tỷ USD.
Jeff Bezos. Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành trang mua bán trực tuyến Amazon (tổng tài sản: 112,6 tỷ USD).

Bill Gates. Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn phần mềm Microsoft (tổng tài sản: 90,5 tỷ USD).

Mark Zuckerberg. “Cha đẻ” kiêm Giám đốc điều hành của mạng xã hội Facebook (tổng tài sản: 71,4 tỷ USD).

Carlos Slim Helú. Giám đốc America Movil (tổng tài sản: 67,5 tỷ USD).

Larry Ellison. Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn phần mềm Oracle (tổng tài sản: 58,8 tỷ USD).

Larry Page. Đồng sáng lập trang tìm kiếm Google kiêm Giám đốc điều hành Alphabet - công ty mẹ của Google. (tổng tài sản: 47,8 tỷ USD).

Sergey Brin. Đồng sáng lập trang tìm kiếm Google, hiện đang giữ chức Chủ tịch tập đoàn Alphabet (tổng tài sản: 47,2 tỷ USD).

Pony Ma Huateng. Giám đốc điều hành tập đoàn Tencent (tổng tài sản: 45,6 tỷ USD).

Jack Ma. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành trang mua bán trực tuyến Alibaba (tổng tài sản: 39,2 tỷ USD).

Steve Ballmer. Cựu Giám đốc điều hành tập đoàn Microsoft (tổng tài sản: 38,5 tỷ USD).

Tìm kiếm cơ hội hợp tác ở Silicon Valley của các doanh nghiệp Việt Nam

Trong tháng 6 sắp tới, dự kiến có khoảng 12 đến 15 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sang Silicon Valley kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hoa Kỳ.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác ở Silicon Valley của các doanh nghiệp Việt Nam
Công viên phần mềm Quang Trung sẽ phối hợp với VNITO tổ chức hoạt động kết nối cho doanh nghiệp Việt Nam tại Silicon Valley. Ảnh: Hà Thế An.

Công viên phần mềm Quang Trung sẽ phối hợp với Liên minh các doanh nghiệp gia công phát triển CNTT Việt Nam (VNITO) tổ chức chương trình “Kết nối công nghệ thông tin Việt Nam - Hoa Kỳ ” từ ngày 11 đến ngày 17/06 sắp tới.

Hoạt động này nhằm hỗ trợ các công ty công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm Việt Nam có cơ hội tiếp cận, kết nối và làm việc với các công ty IT, các đối tác tiềm năng của Hoa Kỳ tại thung lũng Silicon.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam còn được tham quan trường ĐH Houston (thuộc bang Texas).

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần phềm Quang Trung, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về gia công phần mềm toàn cầu (theo AT Kearney 2017), “Top 6 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về Thị trường cung cấp dịch vụ toàn cầu (Gartner, 2016) và đứng số 1 trong các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên toàn thế giới…

Với hoạt động này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội quảng bá và khẳng định thương hiệu ngành dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam với thị trường tế giới. Đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm đối tác quốc tế để phát triển kinh doanh.

Hà Thế An